Gần đây, nghề nail (làm đẹp móng tay, móng chân) ở Việt Nam đã trở thành một nghề mới, nó thu hút nhiều bạn gái trẻ tham gia các khóa học nghề và đã tạo được việc làm cho nhiều lao động nữ ở thành phố.
Nghề của sự tỉ mỉ, chịu khó
Những học viên vẽ móng được gọi chung là thợ nail. Thợ nail phải có lòng yêu nghề và sự tỉ mỉ, tập trung cao độ.
Với thợ nail, mỗi ngón tay – chân của khách là một tác phẩm nghệ thuật của mình.
nail phải hết sức nhẹ nhàng trong quá trình chăm sóc móng cho khách, một sơ suất nhỏ làm rách da chảy máu cũng gây ra nhiều phiền phức – chị Phương một thợ nail có ba năm kinh nghiệm nói.
Để làm một bộ móng tay, chân phải mất từ 30 phút đến 3h, tùy theo khách hàng yêu cầu cắt tỉa móng hay đắp bột, vẽ móng.
Đắp bột giúp cho khách có một bộ móng tay cứng, dài đều bằng nhau (nếu không làm việc bếp núc có thể giữ được từ 3 – 4 tháng).
Sau khi bột trên móng khô, người thợ sẽ giũa tạo dáng tròn hay vuông theo yêu cầu của khách. Có thể giũa bằng tay hoặc bằng máy.
Chị Yến, một người đang học nghề: “Học vẽ móng tuy không vất vả nhưng phải chịu khó và khéo tay mới theo được nghề. Mỗi ngày, ngồi từ 2 - 3 tiếng để vẽ móng giả trên tay, chân còn cổ thì thường đau nhức. Mình phải chăm chút cho từng hoạ tiết và hoa văn trên móng, màu nước son, tranh móng nổi cho phù hợp và hài hoà”.
Người làm nghề nail có thể hành nghề bằng cách mở cửa hàng, hoặc làm đi làm dạo.
Làm dạo chỉ cắt da, tỉa móng, sơn hoặc vẽ, giá chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/bộ móng.
Một số chị em làm ở các cửa hàng lớn có thêm dịch vụ đắp móng giả, mài móng tay bằng máy, có những bộ móng còn được trang trí bằng đá cầu kỳ nên giá khá đắt từ 200.000 - 300.000 đồng/bộ.
Mai Trang (18 tuổi), học viên ở một cơ sở dạy nail ở Q.1 cho biết, nghề này khá nhẹ nhàng, thu nhập cao.
Nếu chịu khó và khéo tay, có thể kiếm được hai triệu đồng/tháng chưa kể tiền "bo".
Nhiều bạn của chị học nghề xong đã tìm được việc làm và sống ổn định.
Chị Kim Tuyết (Q.5) học nghề này vì “Sắp đi xuất khẩu lao động, nghe nói bên đó nghề này có thể sống được”.
Những nguy cơ từ nghề nail
Với kinh nghiệm năm năm trong nghề đắp bột móng, chị Diễm My kể: “Lúc mới làm mình hay bị dị ứng. Khi đắp bột khách phải bịt khẩu trang. Khó nhất là lúc giũa móng, do mình giũa thủ công, bột làm cho mặt mình nổi mẩn đỏ, đau rát, cả tháng mới quen dần”.
Chị Hạnh, làm chung với My nói thêm: “Bột đắp móng nhập từ nước ngoài về nên không ai biết thành phần có những chất gì, lúc giũa móng đắp bột thì bụi bay vào mắt rát lắm. Nhiều tiệm lớn có máy mài móng thì đỡ cho thợ, còn không thì vẫn phải giũa bằng tay”.
Chị Cẩm Tú có thâm niên tám năm đang làm ở một tiệm nail khá lớn ở Q.1 cho biết: “Đồ nghề nail khi đã được làm cho khách này xong sẽ được sử dụng để làm cho khách khác. Dù trước đó đã được sát trùng bằng cách ngâm nước nóng, nhưng nếu thợ làm rách da tay, chân của khách thì cũng đáng lo ngại”.
Một khách hàng làm nail kể: “Có lần tôi bị thợ làm chảy máu tay, sợ bị nhiễm trùng, bị nhiễm HIV, tôi phải đi xét nghiệm mấy lần. Bây giờ mỗi lần đi làm nail là tôi tự đem kìm ở nhà đến cho thợ làm”.
Nghề nail hiện phát triển khá nhanh nhưng cũng chỉ tự phát, vẫn chưa có một quy định bảo hộ lao động nào cho thợ nail, cũng như bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Trong khi đó ở Mỹ, muốn trở thành một thợ nail phải được đào tạo 6 tháng và có giấy phép mới được hành nghề.